Top 10 chiêu trò lừa đảo qua Internet và Email phổ biến nhất

Top 10 chiêu trò lừa đảo qua Internet và Email phổ biến nhấtCuongquach.com | Đi cùng với sự phát triển của Internet, các hình thức lừa đảo ngày càng trở nên tinh vi hơn. Bài viết này sẽ giới thiệu đến bạn các kiểu lừa đảo qua Internet Email phổ biến nhất hiện nay để có cách phòng tránh phù hợp.

cac-hinh-thuc-internet-scam

1. Lừa đảo bằng Email và Website giả mạo

Đây chính là phương thức lừa đảo phổ biến nhất hiện nay. Kẻ xấu sẽ khai thác thông tin cá nhân của bạn (tên đăng nhập – mật khẩu) bằng cách gửi những email trông có vẻ “quan trọng” nhằm dẫn dụ bạn đến các website giả mạo (thường giống với các tổ chức uy tín như Citibank, Ebay hay Paypal…). Hơn nữa, bọn lừa đảo thường đánh vào tâm lý người dùng với các email có nội dung cấp thiết như “xác nhận danh tính” hoặc bịa rằng tài khoản của bạn đang bị tấn công để lừa lấy thông tin cá nhân.

Do đó, bạn cần kiểm tra độ an toàn của các liên kết trong email trước khi thực hiện các thao tác khác. Ngoài ra, hãy cảnh giác với các website không sử dụng https://, và luôn chắc rằng tên miền của URL trong liên kết đính kèm giống với địa chỉ công khai của tổ chức.

2. Lừa đảo Nigeria (Lừa đảo 419)

Tên gọi này bắt nguồn từ việc có nhiều người dùng nhận được email lừa đảo từ một người Nigeria giàu có. Nội dung phổ biến nhất của email này là thường được gửi từ một phụ nữ muốn quyên góp toàn bộ tài sản của người chồng đã khuất, và mong bạn giúp họ chuyển khoản tiền này ra nước ngoài, sau đó trả thù lao cho bạn.

Dù có nhiều kịch bản khác nhau nhưng điểm chung của các chiêu trò này là đều yêu cầu bạn trả trước các khoản phí để làm thủ tục chuyển tiền/hàng ra nước ngoài. Tất nhiên bạn sẽ không bao giờ nhận được bất kỳ khoản tiền nào như đã được hứa hẹn. Để không bị lừa, cách đơn giản nhất là bỏ qua và xóa email này đi.

3. Lừa đảo xổ số

Chiêu trò lừa đảo này đánh vào tâm lý muốn đổi đời bằng xổ số của nhiều người. Tương tự như hai hình lừa đảo trên, hacker sẽ gửi email với nội dung “Bạn đã trúng xổ số” với giải thưởng hấp dẫn – ngay cả khi bạn không hề tham gia bất kỳ chương trình xổ số nào. Để nhận giải, bạn phải trả cho chúng một khoản tiền gọi là “phí xử lý” có thể lên đến hàng chục triệu đồng. Tất nhiên nếu bạn trả phí thì ngay lập tức bọn lừa đảo sẽ cao chạy xa bay!

4. Lừa đảo phí trả trước cho tín dụng hoặc các khoản vay đảm bảo

Nếu bạn được yêu cầu phải đóng một khoản phí trả trước cho thẻ tín dụng hoặc các khoản vay, hãy xem xét lại đối tác cung cấp dịch vụ tín dụng cho bạn.

Các nhà cung cấp dịch vụ tín dụng có thu phí duy trì thẻ tín dụng hàng năm, nhưng chắc chắn họ không yêu cầu bạn phải trả trước. Đối với các khoản vay tài chính, dù bạn có thể trả lãi định kỳ, trả trước hoặc trả sau nhưng hãy nhớ rằng, các tổ chức đều sẽ xác minh tình hình tài chính của bạn trước khi ký kết hợp đồng. Nếu có một cá nhân, tổ chức nào bỏ qua bước này mà chỉ yêu cầu bạn đóng lãi trước, hãy cẩn thận vì đây có khả năng cao là một chiêu trò lừa đảo này.

5. Lừa đảo mua hàng với mức giá cao hơn

Kiểu lừa đảo này thường xảy ra khi bạn đăng bán một mặt hàng xa xỉ, ví dụ như xe hơi. Kẻ lừa đảo sẽ ra giá cao hơn mức giá niêm yết để mua lại xe của bạn. Chúng lấy lý do trả giá cao hơn là do chi phí vận chuyển xe ra nước ngoài, đồng thời yêu cầu bạn gửi xe kèm theo khoản tiền mặt chênh lệch.

Song song đó, kẻ lừa đảo sẽ lập lệnh chuyển tiền giả đến tài khoản của bạn để bạn tưởng rằng chúng đã trả đủ tiền mua xe, để bạn gửi xe và tiền mặt cho chúng theo thỏa thuận.
Tuy nhiên sau đó, ngân hàng sẽ thông báo tới bạn rằng lệnh chuyển tiền là giả, và yêu cầu bạn trả lại số tiền đó ngay lập tức. Lúc này, bạn không chỉ mất xe và tiền mà còn nợ ngân hàng một khoản tiền khổng lồ!

6. Lừa đảo tuyển dụng

Dựa vào thông tin bạn đăng lên trên các website tìm việc, kẻ lừa đảo sẽ liên lạc và ngỏ lời mời bạn làm đại diện tài chính cho một công ty nước ngoài nào đó.

Lý do họ muốn thuê bạn là do công ty này gặp vấn đề trong việc nhận tiền từ khách hàng nước ngoài; họ cần bạn xử lý các khoản thanh toán đó và hứa sẽ trả bạn phần trăm hoa hồng trên mỗi giao dịch. Nếu nhận việc, bạn sẽ phải cung cấp thông tin cá nhân bao gồm cả số tài khoản để được trả tiền.

Hậu quả sau đó là bạn có thể gặp phải một số rắc rối như bị cáo buộc có hành vi trộm cắp danh tính, nợ ngân hàng do séc và các lệnh chuyển tiền là giả,…

7. Lừa đảo cứu trợ thiên tai

Nhiều kẻ xấu đã lợi dụng thiên tai để lừa người khác quyên góp tiền nhằm mục đích cứu trợ. Nếu yêu cầu quyên góp được gửi qua email, rất có thể đó lại là một chiêu trò lừa đảo.
Vậy nên, bạn tuyệt đối đừng nhấp vào bất cứ lên kết nào trong email hoặc cung cấp thông tin tài khoản, tín dụng của mình. Thay vào đó hãy liên lạc trực tiếp với các tổ chức từ thiện để quyên góp.

8. Lừa đảo du lịch

Loại hình lừa đảo này thường xảy ra vào mùa hè, khi nhu cầu du lịch tăng cao. Bọn lừa đảo sẽ gửi các email thông báo với người nhận rằng họ được tặng một chuyến đi với mức giá ưu đãi nếu đăng ký ngay trong hôm nay. Các kịch bản tiếp theo có thể là: bạn nhận được chuyến đi miễn phí nhưng các chi phí khác lại cao ngất hoặc thậm chí, bạn sẽ chẳng nhận được chuyến du lịch nào mặc dù đã trả tiền trước!

9. Kiếm tiền nhanh chóng

Hình thức này còn được biết đến như mô hình đa cấp dạng kim tự tháp. Trong đó, bạn nhận được email có danh sách tên và được yêu cầu gửi $5 (hoặc hơn) cho người có tên ở đầu danh sách, thêm tên của bạn vào cuối và chuyển tiếp danh sách cho người khác.

Kẻ lừa đảo giải thích rằng, càng có nhiều người tham gia chuỗi này, thì khi đến lượt bạn nhận được tiền, bạn càng có thể cơ hội trở thành triệu phú!

Nhưng hãy lưu ý rằng, những cái tên ở đầu danh sách luôn là những người cùng nhóm với kẻ lừa đảo. Mặt khác, mô hình này cũng bị xem là bất hợp pháp nên nếu tham gia, bạn hoàn toàn có thể bị buộc tội!

10. Kiếm tiền từ máy tính cá nhân.

Kẻ lừa đảo sẽ dụ dỗ bạn trả tiền để tải về và cài đặt một chương trình trên máy tính cá nhân, sau đó khởi chạy chương trình và nhấp vào các quảng cáo hiển thị để kiếm tiền.

Khi đăng ký, bạn sẽ nhận được một ID duy nhất và được yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản PayPal của mình để nhận tiền.

Mặc dù nghe có vẻ không nguy hiểm nhưng thực chất đây là một công việc tồi tệ. Và việc chủ động cài đặt các chương trình đáng ngờ trên hệ thống hoàn toàn có khả năng biến máy tính của bạn thành bot zombie để tin tặc hoặc các phần tử độc hại khác truy cập và khai thác.

Nguồn: https://cuongquach.com/

Previous articleSRE và DevOps: Cạnh tranh hay Hỗ trợ lẫn nhau?
Next articleNguyên tắc cơ bản của SRE: SLI, SLA và SLO
Bạn đang theo dõi website "https://cuongquach.com/" nơi lưu trữ những kiến thức tổng hợp và chia sẻ cá nhân về Quản Trị Hệ Thống Dịch Vụ & Mạng, được xây dựng lại dưới nền tảng kinh nghiệm của bản thân mình, Quách Chí Cường. Hy vọng bạn sẽ thích nơi này !