Tự học CCNA – Bài 1: Mạng máy tính là gì ?

Mạng máy tính là gì ? Cuongquach.com xin giới thiệu bài đầu tiên trong chuỗi Serie “Tự học CCNA” đó là “Mạng máy tính là gì?” . Nhằm cung cấp cho các bạn cái nhìn tổng quan về hệ thống mạng cơ bản, chuẩn bị nền tảng cho quá trình học CCNA.

1. Vậy “Mạng máy tính” là cái gì ?

Mạng máy tính là một hệ thống tập hợp bởi nhiều máy tính, laptop và các thiết bị được kết nối/liên kết với nhau bởi đường truyền vật lý theo một kiến trúc (Network Architecture) nào đó nhằm trao đổi dữ liệu và chia sẻ tài nguyên cho nhau.

mang may tinh la gi

Phạm vi kết nối giữa các thiết bị hay máy tính có thể nằm gói gọn trong 1 căn phòng, 1 toà nhà lớn, hay cả 1 thành phố và thậm chí trên cả phạm vi toàn cầu.

Tốc độ truyền dữ liệu trên đường truyền còn được gọi là thông lượng của đường truyền – thường được tính bằng số lượng bit được truyền đi trong một giây (bps).

2. Ứng dụng của “Mạng máy tính”

Ngày nay với một lượng lớn về thông tin, nhu cầu xử lý thông tin ngày càng cao. Mạng máy tính hiện nay trở nên quá quen thuộc đối với chúng ta, trong mọi lĩnh vực như khoa học, quân sự, quốc phòng, thương mại, dịch vụ, giáo dục… Hiện nay ở nhiều nơi mạng đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu được. Người ta thấy được việc kết nối các máy tính thành mạng cho chúng ta những khả năng mới to lớn như:

Sử dụng chung tài nguyên: Những tài nguyên của mạng (như thiết bị, chương trình, dữ liệu) khi được trở thành các tài nguyên chung thì mọi thành viên của mạng đều có thể tiếp cận được mà không quan tâm tới những tài nguyên đó ở đâu.

Tăng độ tin cậy của hệ thống: Người ta có thể dễ dàng bảo trì máy móc và lưu trữ (backup) các dữ liệu chung và khi có trục trặc trong hệ thống thì chúng có thể được khôi phục nhanh chóng. Trong trường hợp có trục trặc trên một trạm làm việc thì người ta cũng có thể sử dụng những trạm khác thay thế.

Nâng cao chất lượng và hiệu quả khai thác thông tin: Khi thông tin có thể được sữ dụng chung thì nó mang lại cho người sử dụng khả năng tổ chức lại các công việc với những thay đổi về chất như:

– Đáp ứng những nhu cầu của hệ thống ứng dụng kinh doanh hiện đại.
– Cung cấp sự thống nhất giữa các dữ liệu.
– Tăng cường năng lực xử lý nhờ kết hợp các bộ phận phân tán.
– Tăng cường truy nhập tới các dịch vụ mạng khác nhau đang được cung cấp trên thế giới.

Với nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của xã hội nên vấn đề kỹ thuật trong mạng là mối quan tâm hàng đầu của các nhà tin học. Ví dụ như làm thế nào để truy xuất thông tin một cách nhanh chóng và tối ưu nhất, trong khi việc xử lý thông tin trên mạng quá nhiều đôi khi có thể làm tắc nghẽn trên mạng và gây ra mất thông tin một cách đáng tiếc.

Hiện nay việc làm sao có được một hệ thống mạng chạy thật tốt, thật an toàn với lợi ích kinh tế cao đang rất được quan tâm. Một vấn đề đặt ra có rất nhiều giải pháp về công nghệ, một giải pháp có rất nhiều yếu tố cấu thành, trong mỗi yếu tố có nhiều cách lựa chọn. Như vậy để đưa ra một giải pháp hoàn chỉnh, phù hợp thì phải trải qua một quá trình chọn lọc dựa trên những ưu điểm của từng yếu tố, từng chi tiết rất nhỏ.

Để giải quyết một vấn đề phải dựa trên những yêu cầu đặt ra và dựa trên công nghệ để giải quyết. Nhưng công nghệ cao nhất chưa chắc là công nghệ tốt nhất, mà công nghệ tốt nhất là công nghệ phù hợp nhất.

3. Các thành phần cơ bản của Mạng máy tính

  • Có ít nhất 2 máy tính.
  • Một giao tiếp mạng trên mỗi máy (NIC : Network interface Card)
  • Môi trường truyền :
  • Dây cáp mạng
  • Môi trường truyền không dây.
  • Hệ điều hành mạng :
  • UNIX, Windows 98, Windows NT,…, Novell Netware,…

4. Đường cáp truyền mạng

Đường cáp truyền mạng là cơ sở hạ tầng của một hệ thống mạng, nên nó rất quan trọng và ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng hoạt động của mạng. Hiện nay người ta thường dùng 3 loại dây cáp là cáp xoắn cặp, cáp đồng trục và cáp quang.

4.1. Cáp xoắn cặp

Đây là loại cáp gồm hai đường dây dẫn đồng được xoắn vào nhau nhằm làm giảm nhiễu điện từ gây ra bởi môi trường xung quanh và giữa chúng với nhau.

Hiện nay có hai loại cáp xoắn là cáp có bọc kim loại ( STP – Shield Twisted Pair) và cáp không bọc kim loại (UTP -Unshield Twisted Pair).

4.2. Cáp đồng trục

Cáp đồng trục có hai đường dây dẫn và chúng có cùng một trục chung, một dây dẫn trung tâm (thường là dây đồng cứng) đường dây còn lại tạo thành đường ống bao xung quanh dây dẫn trung tâm (dây dẫn này có thể là dây bện kim loại và vì nó có chức năng chống nhiễu nên còn gọi là lớp bọc kim). Giữa hai dây dẫn trên có một lớp cách ly, và bên ngoài cùng là lớp vỏ plastic để bảo vệ cáp.

4.3. Cáp sợi quang (Fiber – Optic Cable)

Cáp sợi quang bao gồm một dây dẫn trung tâm (là một hoặc một bó sợi thủy tinh có thể truyền dẫn tín hiệu quang) được bọc một lớp vỏ bọc có tác dụng phản xạ các tín hiệu trở lại để giảm sự mất mát tín hiệu. Bên ngoài cùng là lớp vỏ plastic để bảo vệ cáp. Như vậy cáp sợi quang không truyền dẫn các tín hiệu điện mà chỉ truyền các tín hiệu quang (các tín hiệu dữ liệu phải được chuyển đổi thành các tín hiệu quang và khi nhận chúng sẽ lại được chuyển đổi trở lại thành tín hiệu điện).

Cáp quang có đường kính từ 8.3 – 100 micron, Do đường kính lõi sợi thuỷ tinh có kích thước rất nhỏ nên rất khó khăn cho việc đấu nối, nó cần công nghệ đặc biệt với kỹ thuật cao đòi hỏi chi phí cao.

Dải thông của cáp quang có thể lên tới hàng Gbps và cho phép khoảng cách đi cáp khá xa do độ suy hao tín hiệu trên cáp rất thấp. Ngoài ra, vì cáp sợi quang không dùng tín hiệu điện từ để truyền dữ liệu nên nó hoàn toàn không bị ảnh hưởng của nhiễu điện từ và tín hiệu truyền không thể bị phát hiện và thu trộm bởi các thiết bị điện tử của người khác.

Chỉ trừ nhược điểm khó lắp đặt và giá thành còn cao , nhìn chung cáp quang thích hợp cho mọi mạng hiện nay và sau này.

4.4. Các yêu cầu cho một hệ thống cáp

– An toàn, thẩm mỹ: tất cả các dây mạng phải được bao bọc cẩn thận, cách xa các nguồn điện, các máy có khả năng phát sóng để tránh trường hợp bị nhiễu. Các đầu nối phải đảm bảo chất lượng, tránh tình trạng hệ thống mạng bị chập chờn.

– Đúng chuẩn: hệ thống cáp phải thực hiện đúng chuẩn, đảm bảo cho khả năng nâng cấp sau này cũng như dễ dàng cho việc kết nối các thiết bị khác nhau của các nhà sản xuất khác nhau. Tiêu chuẩn quốc tế dùng cho các hệ thống mạng hiện nay là EIA/TIA 568B.

– Tiết kiệm và “linh hoạt” (flexible): hệ thống cáp phải được thiết kế sao cho kinh tế nhất, dễ dàng trong việc di chuyển các trạm làm việc và có khả năng mở rộng sau này.

5. MỘT SỐ THUẬT NGỮ VỀ MẠNG

5.1. MẠNG CỤC BỘ LANS ( Local Area Networks )

  • Có giới hạn về địa lý.
  • Tốc độ truyền dữ liệu khá cao.
  • Do một tổ chức quản lý.
  • Thường dùng multiaccess channels.
  • Các kỹ thuật thường dùng: Token Ring: 16 Mbps, Mạng hình sao

5.2. MẠNG DIỆN RỘNG WANS ( Wide Area Networks )

  • Không có giới hạn về địa lý.
  • Thường là sự kết nối nhiều LAN.
  • Tốc độ truyền dữ liệu khá thấp.
  • Do nhiều tổ chức quản lý.
  • Thường dùng kỹ thuật point to point channels.
  • Các kỹ thuật thường dùng: các đường điện thoại & truyền thông bằng vệ tinh.

5.3. MẠNG MANS ( Wide Area Networks )

  • Có kích thước vùng địa lý lớn hơn LAN tuy nhiên nhỏ hơn WAN.
  • Do một tổ chức quản lý.
  • Thường dùng cáp đồng trục hay sóng ngắn.

5.5. INTERNETWORK

Kết nối hai hay nhiều mạng riêng biệt
Đòi hỏi có các thiết bị mạng tạo điều kiện thuận lợi cho kết nối này.

5.5. INTERNET

  • Mạng toàn cầu đặt biệt kết nối mạng của các tổ chức , các nhân trên thế giới.
  • Kết nối từ máy tính cá nhân đến Internet.
  • Kết nối các LAN bởi WAN tạo nên Internet.

5.6. INTRANET

  • Là mạng LAN có triển khai các dịch vụ trên Internet .

Vậy là ta đã kết thúc bài đầu tiên trong Serie “Tự học CCNA” với nội dung “Mạng máy tính là gì ?“. Cùng đến với nội dung thứ hai trong serie này nhé.

(tham khảo Hồ Quang Minh Tùng)

Previous articleDownload Cisco Packet Tracer 7.0 – Phần mềm giả lập hệ thống mạng
Next articleTự học CCNA – Bài 3: Tìm hiểu mô hình OSI trên Internet
Bạn đang theo dõi website "https://cuongquach.com/" nơi lưu trữ những kiến thức tổng hợp và chia sẻ cá nhân về Quản Trị Hệ Thống Dịch Vụ & Mạng, được xây dựng lại dưới nền tảng kinh nghiệm của bản thân mình, Quách Chí Cường. Hy vọng bạn sẽ thích nơi này !